Hệ thống pháp luật

thuyết pháp trị

"thuyết pháp trị" được hiểu như sau:

Học thuyết chủ trương dùng pháp luật Cai trị xã hội, trị quốc an dân.Những người theo phái pháp trị thường được gọi là pháp gia.Ở Trung Quốc, thuyết pháp trị ra đời rất sớm, ngay từ thời cổ đại, vào thời Xuân Thu (năm 770 - 476 trước công nguyên) một số học giả, chính khách thấy xã hội hỗn loạn đã chủ trương dựa vào pháp luật làm căn bản để trị quốc, cải biến tình hình như Tử sản, tướng quốc (Thủ tướng) nước Trịnh, Phạm Tuyên nước Tấn, Lý Khắc nước Ngụy đều là những người chủ trương pháp trị, mỗi người theo một cách riêng đã cho ban hành luật lệ. Tử Sản có Hình thư, Phạm Tuyên có Hình đinh (Đỉnh đồng khắc văn bản pháp luật): Lý Khắc có Pháp kinh gồm 6 tập. Trong số các pháp gia có Thương Ưởng được vua Tần cho làm Tả thứ trưởng rồi Tể tướng để thi hành "Biến pháp canh tân". Biến pháp thi hành được 10 năm, dân Tần rất vui mừng, ngoài đường không nhặt của rơi, trong núi không có trộm cướp, nhà đủ người no, dân dũng cảm trong lúc chiến đấu, vì công việc, khiếp sợ không dám đánh nhau vì việc riêng, làng xóm đều được trị an. Nhưng đó cũng là kết quả của một chính sách thực hành hình phạt tàn khốc, khắc bạc. Ngay đối với chính sách của ông không những không được chê mà ngay việc khen, bàn bạc cũng không được, chỉ biết phục tùng, làm theo pháp luật. Đến lúc thất sủng, đối với vua mới lên ngôi, bản thân ông phải trốn chạy nhưng từ quan đến dân đều khước từ chứa chấp, cuối cùng ông trở thành nạn nhân của chính hình phạt của "Biến pháp...”: bị 4 ngựa phanh thây.Từ những chủ trương, chính sách, quan điểm và thực tiễn thực thi pháp trị ở các nước, công việc tổng kết đã được tiến hành, do Hàn Phi (khoảng 280-230 trước Công nguyên) thực hiện với tác phẩm  “Hàn Phi Tử” vốn được xem là một cuốn sách kinh điển của phái pháp gia và tác giả của nó - Hàn Phi - được xếp vào loại "Bách gia chư tử” và từ đó Hàn Phi thường được gọi là Hàn Phi Tử như Khổng Tử, Mặc Tử, Lão Tử...Những người theo phái pháp gia thường cho rằng, bản tính con người là ác, con người thuộc tính ác, yếu hèn dễ phạm sai lầm, phải dùng hình phạt thật nghiêm khắc để sai khiến và cũng mới giáo hóa được họ. Hàn Phi cho rằng pháp luật của một nước phải thường xuyên được thay đổi, pháp luật cũ phải được thay thế bằng pháp luật mới. Pháp luật chứ không phải ý chí của vua chúa, không phải sự chuyên quyền của cá nhân, mới là cơ sở cho việc điều hành trị quốc, an dân.Hàn Phi chủ trương pháp trị, nhưng theo ông, không phải chỉ có pháp, tức pháp luật, là đủ. Ông đề ra phương châm kết hợp ba vế: Pháp - Thuật - Thể, trước hết cần có pháp luật, xét người không a dua, phụ họa, nể vì quyền quý, thưởng phạt xét theo công lao, dùng người xét theo tài năng. Còn thuật là thủ đoạn dùng để chế ngự thần dân và để pháp và thuật trở lên hữu hiệu phải cẩn đến thế, tức cung cách phát huy, tận dụng quyền lực được trao làm cho pháp luật được thi hành, mọi người tuân theo, tôn trọng. Trong tác phẩm của mình, Hàn Phi thể hiện sự chê ghét những người trị nước không trau dồi làm cho pháp chế sáng tỏ, không lo việc làm cho nước giàu, binh mạnh bằng cách tiến cử người xứng đáng, dùng người hiền, trải lại dùng những bọn tham nhũng, dâm loạn, sâu mọt và ông chỉ ra "ngũ đế" - năm loại sâu mọt. Hàn Phi cho rằng trong chính trị cần phải có sự tàn nhẫn, trong quốc gia, tất cả mọi người phải tuân thủ một cách mù quáng các pháp luật và chính quyền nhà nước - người bảo vệ pháp luật đó. Hàn Phi cho rằng nhu cầu thỏa mãn lợi ích cá nhân là bản tính con người và đề xướng việc cần kiệm lập nghiệp làm giàu, dân phải lo làm giàu, chăm lo sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng một lực lượng vũ trang hùng hậu để tiến hành chiến tranh kiêm tính, thống nhất thiên hạ và gọi là "canh chiến" (cày bừa, chiến đấu) và ông xếp những người không tham gia, đóng góp cho canh của ông là "hết sức thảm khốc, ít dùng ân đức” .