Hệ thống pháp luật

thuyết pháp quyền tự nhiên

"thuyết pháp quyền tự nhiên" được hiểu như sau:

Học thuyết chủ trương có một thứ pháp luật tự nhiên điều chỉnh quan hệ giữa người và người khi con người tồn tại trong trạng thái tự nhiên.Theo học thuyết này, pháp luật cũng như nhà nước không phải do chúa Trời tạo ra mà đó là do con người cùng nhau có sự thoả thuận xã hội mà làm ra. Trước khi có nhà nước và pháp luật, con người tồn tại trong trạng thái tự nhiên. Và trong trạng thái tự nhiên đó, con người có tự do, bình đẳng và cả sở hữu tư nhân do lao động cá nhân tạo ra.Ngay trong trạng thái tự nhiên, con người đã có lý trí và đó là điều con người khác với loài vật khác. Trạng thái tự nhiên ở con người làm phát sinh nguyện vọng được giao tiếp bắt nguồn từ bản tính tự nhiên của con người. Nhà lý luận xuất sắc đầu tiên của trường phái pháp luật tự nhiên là nhà tư tưởng Hà Lan Hugo Grotius (1583-1645), trong tác phẩm nổi tiếng “Bàn về pháp luật của chiến tranh và hòa bình” (1625) ông viết trong thời kỳ sống lưu vong ở Pháp, trong đó Grotius đã trình bày những luận điểm cơ bản của ông về học thuyết pháp quyền tự nhiên. Pháp quyền tự nhiên xuất phát từ bản tính và lý trí của con người, trong đó có sự hướng tới “sự giao tiếp bình thường và do ý chí chỉ đạo của con người với đồng loại”. Grotius phân biệt pháp quyền tự nhiên với pháp luật thực định của các nhà nước. Pháp luật thực định phải phù hợp với những đòi hỏi của pháp quyền tự nhiên và đối lập những đòi hỏi của pháp quyền tự nhiên với các quy định pháp luật thực định của nhà nước phong kiến đương thời có tác dụng như một kích thích tố phê phán pháp luật phong kiến và cả chế độ phong kiến nói chung, ông đưa ra đòi hỏi phải thiết lập pháp luật mới đáp ứng quy luật lý trí. Quan điểm của Grotius về nhà nước và pháp luật như hướng mọi người nhìn nhà nước và pháp luật, theo nhận xét của Mác, Ănghen "bằng đôi mắt người”, để tìm ra bản chất của nhà nước và pháp luật từ lý trí chứ không phải từ tôn giáo và kinh thánh.John Locke - nhà tư tưởng tiêu biểu người Anh thế kỉ XVII cũng chủ trương thuyết pháp quyền tự nhiên. Theo Locke trạng thái tự nhiên mà con người đã từng sống trong đó là một vương quốc tự do và bình đẳng, tự do và bình đẳng là cái chủ yếu đặc trưng cho đời sống con người ở trạng thái tự nhiên. Nhưng trong trạng thái tự nhiên mỗi người là một ông vua cô độc của chính mình, tự điều khiển, chi phối một cách tự do cá nhân mình cũng như tài sản của mình. Theo ông, mặc dù có sự hữu ái và hoà bình trong trạng thái tự nhiên, các quyền này của con người đã không được bảo đảm chắc chắn. Để tránh tranh cãi và đảm bảo các quyền tự nhiên, mọi người đã có sự giao ước chung về việc thành lập nhà nước để bảo vệ các quyền tự nhiên của mình, thiết lập pháp luật để tạo lập và bảo vệ sở hữu tư nhân vốn thuộc bản tính muôn đời và bất biến của con người. Nếu có sự vi phạm quyền tự nhiên của con người thi thoả thuận xã hội coi như bị bãi bỏ, nhân dân trở lại trạng thái tự nhiên và có quyền thiết lập chính phủ mới.Học thuyết chính trị của Locke có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sau này của tư tưởng chính trị tư sản, đặc biệt phổ biến là thuyết về quyền tự nhiên không thể bị tước bỏ của con người, được các nhà tư tưởng cách mạng Mỹ như Jefferson sử dụng cũng như sau đó được đưa vào "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp 1789". Tư tưởng của Grotius và Locke và của nhiều nhà tư tưởng tư sản khác về pháp quyền tự nhiên là sự dọn đường về mặt ý thức hệ cho các cuộc cách mạng sẽ nổ ra nhằm lật đổ ách thống trị chuyên chế của giai cấp phong kiến, quý tộc để đưa một giai cấp mới lên cầm quyền, thống trị xã hội - giai cấp tư sản.Bản chất giai cấp của học thuyết pháp quyền tự nhiên bộc lộ ra rất rõ, khi, dù được bất kỳ nhà tư tưởng nào phát ngôn, họ đều luôn nhấn mạnh, đặt thành nhiệm vụ cho pháp quyền tự nhiên là bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân.Trong cuộc đấu tranh lật đổ vương quyền phong kiến, thuyết pháp quyền tự nhiên rõ ràng đã đóng một vai trò tích cực, nói theo cách diễn đạt của Engels, nó đã góp phần xé bỏ ánh hào quang thánh thần bao trùm chế độ xã hội phong kiến chuyên chế đang kìm kẹp xã hội trong gông cùm tín ngưỡng phi nhân tính, tất cả đều quy về chúa Trời, do chúa Trời tạo ra, kể cả nhà nước và pháp luật đương thời. Học thuyết pháp quyền tự nhiên khẳng định mạnh mẽ: nhà nước và pháp luật đương thời không phải là sản phẩm của chúa Trời mà do con người tạo ra và trước khi có nhà nước và pháp luật con người đã tồn tại trong trạng thái tự nhiên - vương quốc của tự do, bình đẳng và sở hữu tư nhân. Học thuyết pháp quyền tự nhiên, vứt bỏ được cho con người đương thời cặp kính thần linh đã quá lỗi thời để con người có thể nhìn xã hội, mà trước hết là nhà nước và pháp luật, bằng đôi mắt của con người, giúp cho con người đứng vững trên đôi chân của mình, có thể tỏ được thái độ phê phán theo tinh thần phủ định chế độ, nhà nước, pháp luật phong kiến đương thời.Ý nghĩa, giá trị xã hội tích cực của học thuyết pháp quyền tự nhiên được nhiều người thừa nhận và cho đến nay tính đa nguyên, nhiều màu sắc chính trị của nội dung tư tưởng với nhiều trường phái khác nhau của học thuyết này thể hiện rất rõ nét. Các nhà tư tưởng chủ trương thuyết pháp quyền tự nhiên hoàn toàn không có cái nhìn thống nhất đối với pháp quyền tự nhiên, nhất là trong việc xác định tính chất, lý do tồn tại và cả mối quan hệ của thức pháp quyền này với pháp luật thực định của xã hội đương thời, và có tình hình đó là do cách nhìn của từng nhà tư tưởng bị chi phối bởi lập trường chính trị của họ đối với chế độ đương thời.Phải nói rằng, ngay từ thời cổ đại, trong các xã hội Hy Lạp, La Mã cũng đã có những nhà tư tưởng theo quan điểm pháp quyền tự nhiên.Protagoras, nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại giữa thế kỉ thứ X trước Công nguyên khẳng định: nhà nước và pháp luật không phải do thượng đế mà do con người thống nhất, thoả thuận với nhau lập nên. Ông đối lập pháp luật thực định với luật tự nhiên. Trong trạng thái tự nhiên, con người sống trong tình trạng chiến tranh của mọi người chống lại mọi người, không thể có cuộc sống chung, do đó, nhà nước, pháp luật đã ra đời trên cơ sở thoả thuận của mọi người để đảm bảo an toàn chung và thỏa mãn những nguyện vọng của cá nhân và ông kêu gọi mọi người hãy tôn trọng pháp luật thực định.Thời La Mã cổ đại, nhà hùng biện nổi danh (thế kỷ thứ I trước Công nguyên) Cicero cũng là người theo thuyết pháp quyền tự nhiên và dùng thuyết này biện minh cho pháp luật thực định do nhà nước chiếm hữu nô lệ La Mã đặt ra, theo ông, sở dĩ nhà nước xuất hiện là vì con người có bản tính chung và bản chất của pháp luật là ở lý trí của con người thể hiện sự công bằng và được sao chép từ những đạo luật vĩnh hằng, không thay đổi của luật tự nhiên. Vì vậy, luật do Nhà nước La Mã chiếm hữu nô lệ đặt ra là một phần của pháp luật tự nhiên và ông kêu gọi mọi người tôn trọng, tuân thủ pháp luật được nhà nước ban hành.Thomas Hobbs, nhà triết học người Anh, cùng thời với Grotius (Hà Lan) có quan niệm khác hẳn Grotius về pháp quyền tự nhiên. Theo Hobbs, sự ham muốn của con người bắt nguồn “bản tính” vốn có: “sự cạnh tranh trong việc tìm kiếm danh vọng, quyền lực... đã dẫn tới sự tranh giành, thù địch và chiến tranh. Trong trạng thái tự nhiên, con người cũng bị chi phối bởi các ham muốn, trở thành kẻ thù của nhau. Để thoát khỏi tình trạng đó, con người phải từ bỏ tất cả mọi quyền tự nhiên của mình và chuyển giao chúng cho nhà nước. Bởi vậy, quyền lực của vua là tuyệt đối và các thần dân không có bất kỳ quyền hành gì đối với nhà nước. Người cầm quyền có quyền hành vô hạn...”. Theo Hobbs, ngay cả suy nghĩ của thần dân cũng phải phụ thuộc vào người cầm quyền...Có thể thấy, lập trường chính trị đối với chế độ đương thời chi phối mạnh mẽ quan niệm của nhà tư tưởng về pháp quyền tự nhiên: quan niệm rất khác nhau khi lập trường chính trị khác nhau. Như vậy, một vấn đề cần được đặt ra: trên thực tế có thể tồn tại ở một nơi nào đó và thời nào đó một thứ pháp luật gọi là pháp quyền tự nhiên mà các nhà tư tưởng nói đến? Thật ra, pháp quyền tự nhiên, cho đến nay, chỉ tồn tại như một giả thiết, trong quan niệm, học thuyết của các nhà tư tưởng.Từ lập trường chính  trị của các nhà tư tưởng mà pháp quyền tự nhiên hiện ra trước mắt xã hội rất khác nhau. Có thể nói, pháp quyền tự nhiên là sản phẩm tinh thần của nhà tư tưởng, nó có thể có, có thể tồn tại và cần phải tồn tại như vậy. Cũng phải thấy, quan niệm về pháp quyến tự nhiên của các nhà tư tưởng cũng luôn luôn lấy con người trong trạng thái tự nhiên làm xuất phát điểm, từ bản chất con người nói chung, từ "tính người”, nhân tính của con người. Xét về mặt này, quan niệm về pháp quyền tự nhiên có ý nghĩa tích cực không thể phủ nhận về mặt nhận thức luận mà cả trong việc xem xét hệ thống pháp luật thực định của một quốc gia. Trong trường hợp đó, hình dạng của pháp quyền tự nhiên có giá trị của một thứ vật thực giúp cho việc nhận dạng, kiểm nghiệm tính người, hay như ngày nay vẫn thường được nói đến: quyền con người toát lên từ hệ thống pháp luật thực định nhất định.