thuyết pháp luật thực chứng
"thuyết pháp luật thực chứng" được hiểu như sau:
Học thuyết về pháp luật hình thành trên cơ sở tư tưởng triết học chủ nghĩa thực chứng hay còn gọi là chủ nghĩa thực nghiệm mà người sáng lập là Comte (August Comte; 1798 - 1857).Comte trình bày hệ tư tưởng của mình trong tác phẩm "Giáo trình triết học khẳng định" (1830 - 1842) và tác phẩm 4 tập “Hệ thống chính trị khẳng định” (1851 - 1854). Về mặt triết học, Comte chủ trương con người không có khả năng thâm nhập vào bản chất của sự vật, tri thức của con người bị giới hạn bằng kinh nghiệm, sự mô tả hiện tượng, phát hiện các mối liên hệ và các quan hệ giữa chúng với nhau. Con người chỉ có thể tiếp cận với các quy luật của hiện tượng. Đối với ông, không thể có tri thức tuyệt đối - đó là nguyên tắc duy nhất, tuyệt đối của ông. Về mặt khoa học, Comte chủ trương phải lấy sự thực mà con người đã trải qua làm cơ sở và lấy thực nghiệm, quan sát làm phương pháp nghiên cứu khoa học. Ông tự nhận mình là người cải tạo, cách tân các khoa học và ông là người đã đề ra chủ trương lấy xã hội học làm khoa học chung về các hiện tượng xã hội mà các quy luật của nó là hoàn toàn thích hợp với mọi thời đại và mọi dân tộc. Xã hội học của Comte được chia thành hai phần: Phần thứ nhất là "Thống kê" chuyên nghiên cứu cơ cấu xã hội và Phần thứ hai là “Động thái" chuyên nghiên cứu sự phát triển của xã hội và cả hai được thể hiện thành phương thức biểu đạt “trật tự và tiến bộ" và được ông trình bày ở đầu bìa cuốn sách: "Hệ thống chính trị khẳng định của Comte”. Đó cũng là hai đề tài chủ yếu của hệ thống triết học xã hội của ông. Comte chủ trương “Trật tự" với nghĩa là duy trì chế độ xã hội hiện tồn, ủng hộ tình trạng không thể lay chuyển của quan hệ tư bản chủ nghĩa và chủ trương vì sự "tiến bộ” với nghĩa là sự phát triển hòa bình, không bị gián đoạn bởi các cuộc cải tạo cách mạng đối với xã hội tư sản. Xã hội như một tổng thể hữu cơ là đối tượng mà ông dành sự trọng tâm chú ý trong đó. Tình đoàn kết là hiện thân mối quan hệ của con người và các nhóm xã hội. Ông thừa nhận trong xã hội đương thời tư sản và vô sản là những giai cấp đối lập nhưng sự đoàn kết sẽ liên kết họ vì trong mọi xã hội đều tồn tại một mục tiêu chung và có sự thống nhất hài hòa nhất định. Hài hòa là một trạng thái tồn tại khắp mọi chốn, nơi tồn tại một hệ thống nhất định nào đó. Comte tuyên bố: Không một xã hội nào có thể tồn tại nếu người dưới không tôn trọng người trên, người mạnh không giữ quyền thống trị mà phải đi phục vụ kẻ yếu.Xuất phát từ cái gốc là tình đoàn kết tồn tại và chi phối xã hội, Comte đả kích một cách mạnh mẽ các quyền. Comte khẳng định triết học của mình không thừa nhận bất kì một thứ quyền nào ngoài cái quyền chấp hành nghĩa vụ của mình. Khái niệm quyền phải được biến mất khỏi lĩnh vực chính trị cũng như khái niệm nguyên nhân - khỏi lĩnh vực triết học. Con người sinh ra bởi các nghĩa vụ và với các nghĩa vụ đó mà sống cả cuộc đời mình. Tất cả mọi quyền đều phải được thủ tiêu. Đi theo hướng đó, những người theo trường phái pháp luật thực chứng chủ trương xây dựng nhà nước cực quyến. Goblooc, một người theo trường phái này, khẳng định sức mạnh pháp lý của đạo luật bắt nguồn từ chỗ nó là mệnh lệnh của người đứng đầu một nhà nước, là lực lượng và là nguồn gốc đầu tiên sinh ra pháp luật và pháp luật do nhà nước đặt ra là một thứ văn bản có tính mệnh lệnh và tất cả những gì do nhà nước quy định thì đều phải được xem là pháp luật, ngay cả những đạo luật cực kì vô nhân đạo vẫn giữ nguyên giá trị và đó là một phần của hệ thống pháp luật của nhà nước. Tất nhiên, thuyết pháp luật thực chứng có yếu tố tích cực vì nó thuyết minh cho tính đáng tin cậy của pháp luật, thỏa mãn được nhu cầu chung về tính đáng tin cậy, minh bạch của pháp luật. Nhưng rõ ràng nó rất phiến diện, vì nó không thừa nhận tính đạo đức, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội đối với một văn bản pháp luật. Đối với những người theo thuyết giáo này thì bất kì một điều gì đó đều có thể trở thành luật của một nhà nước khi nó được một ai đó có đủ sức mạnh buộc mọi người tôn trọng, chấp hành. Đây là một cách để phủ nhận sự phân biệt, đối lập giữa pháp luật và sự tùy tiện, bạo lực và tự do vì chỉ cần được nhà nước, người có quyền cho phép. Tính ngụy biện của cách lập luận, lý giải của thuyết pháp luật thực chứng rất nguy hiểm, reo rắc ở những người nhẹ dạ dễ tin theo nó với sự ngộ nhận, nhận thức mơ hồ về pháp luật làm căn cứ cho nhu cầu xây dựng một nhân sinh quan đúng đắn, cách mạng đối với pháp luật. Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, những kẻ bảo hộ cho chế độ tư bản độc quyền đã ra sức lợi dụng nó hòng ru ngủ một bộ phận quần chúng nhân dân dễ dàng có thái độ chấp nhận cái xã hội hiện tồn dù nó phản dân chủ đến đâu.