Hệ thống pháp luật

thuyết đức trị

"thuyết đức trị" được hiểu như sau:

Học thuyết chủ trương lý luận dùng đức để cai trị xã hội.Thuyết đức trị là hệ tư tưởng của Khổng Tử (551- 479 trước Công nguyên) - nhà tư tưởng cổ đại Trung Quốc, người sáng lập nên nho giáo - hệ tư tưởng giữ vị trí chủ đạo trong hơn hai ngàn năm trong đời sống tinh thần, ý thức hệ và nền văn hoá Trung Quốc.Đức trị là chủ trương lớn của Khổng Tử dùng đức để cai trị xã hội. Trước Khổng Tử cũng đã có nhiều người không chỉ trong ý thức mà trên thực tế đã dùng đức với ý trong việc trị dân phải dùng đức để làm cho dân theo và cũng mới tạo được hạnh phúc cho dân, trong đó người cai trị phải dùng đức để cảm hoá, giáo dục dân thành người tốt và nhờ thế đất nước mới thịnh trị, nhưng phải đến Khổng Tử thì Nho giáo nói chung và chủ trương dùng đức trong trị dân mới được xây dựng thành học thuyết, thành giáo lý. Khổng Tử cho rằng trong đạo làm người chính trị là việc lớn và đối với con người cái mau thành đạt nhất cũng là chính trị. Chính trị là nơi kỳ vọng nhất của nho gia và về chính trị Khổng Tử là người nói nhiều nhất đến tư cách người cầm quyền, đến bổn phận họ phải sửa mình, phải làm gương cho dân, giáo hoá dân. Ông nhấn mạnh đến mối liên hệ gắn bó của đạo đức với chính trị và có thể nói ông đã đạo đức hoá chính trị. ông phê phán xã hội Trung Quốc thời Xuân Thu là một xã hội “Vô đạo” và ông muốn lập lại một xã hội "có đạo".Đạo đức nói ở đây không hằn theo nghĩa thông thường, trong ngôn ngữ hàng ngày của mỗi người để đánh giá, nhận xét hành vi, xử sự của chính minh hoặc của người xung quanh: tốt xấu, phải trái, đúng sai mà còn là thuộc tính không chỉ riêng của con người mà của chung của trời đất. Nhà Nho nhìn mọi thứ đều thông qua lăng kính đạo đức. Có thể nói tới một thế giới quan đạo đức của nhà nho và đạo đức đồng thời còn là phương châm trị quốc. Khổng Tử nói: “làm chính trị bằng đức độ cũng ví như sao Bắc đẩu cứ đứng nguyên một chỗ mà các sao khác phải hướng về chầu hầu" (Luận ngữ- Vi chính), ông còn nói, cai trị dân bằng chính lệnh, đưa dân vào khuôn phép bằng hình phạt, người dân sợ mà tránh điều tội lỗi nhưng trở nên vô sỉ. Dắt dẫn dân bằng đức độ, đưa dân vào khuôn phép bằng lễ, người dân sẽ biết xấu hổ mà không làm bậy, mà lại có chí hướng vươn lên đến chỗ hoàn thiện (Luận ngữ - vi chính). Về chính sự, Khổng Tử quan tâm đến việc cải thiện hoàn cảnh kinh tế của nhân dân, phải làm cho dân giàu lên và phải giáo hóa họ. Chủ trương đức trị và lễ giáo của Khổng Tử có mục đích chính trị rất rõ ràng: ổn định trật tự xã hội, thuần hoá dân chúng, mặt khác cũng nhằm phản đối nền chính trị hà khắc, tàn bạo dễ làm dân chúng oán giận mà nổi lên chống đối. Trong quan hệ vua - tôi; cha - con, các quan hệ chủ yếu của xã hội phong kiến, Khổng tử chủ trương: “Quân quân - thần thần - phụ phụ - tử tử” (vua phải ra vua, làm tròn phận sự của vua, tôi phải ra tôi làm tròn phận sự của tôi, giữa cha và con cũng vậy: cha phải cho ra cha và con phải cho ra con).Như vậy, quan niệm đức trị của Khổng Tử thể hiện rất rõ ràng là người bảo thủ chủ trương duy trì, củng cố chế độ quân chủ chuyên chế.Ông chỉ lên án những cái hà lạm, tắc trách, quá đáng của chế độ đó để làm mất lòng dân có thể dẫn đến sự suy vong của chế độ mà ông mong muốn hết lòng phục vụ. Trong tư duy của ông có sự phân biệt rất rõ ràng người cầm quyền và người dân là tầng lớp bị trị, ông nhấn mạnh đến kẻ sang - người hèn và chức phận của người dân phục tùng nhà cầm quyền, ông ví đức của người cầm quyền như ngọn gió, còn đức của người dân như ngọn cỏ và gió thổi chiều nào thì ngọn cỏ phải ngả theo chiều đó.Xét về mặt lý thuyết, nền chính trị đức hoá là một bước tiến lớn trong lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ đại. Có thể xem đức trị là một lời khuyên đầy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của nho giáo đối với giai cấp cầm quyền vì phải tính đến sức mạnh và sự phản kháng, phẫn nộ của dân, mà sức dân thì có thể ví như nước có thể nâng thuyền và cũng có thể lật thuyền. Tuy nhiên, trên thực tế đó là một lời khuyên không dễ dàng, không phải kẻ cầm quyền nào cũng có thể sẵn sàng làm theo và khi đi vào cụ thể cũng phải thấy cho được tính phiến diện của bản thân thuyết đức trị. Nói đức trị là nói đến đức độ của kẻ cầm quyền - một nhân tố chủ quan, phụ thuộc vào cá nhân mà cá nhân thì có thể nay người này, nhưng mai là người khác với đức độ rất khác nhau, nền chính trị từ đó có thể thay đổi vì thay đổi con người. Nói đến đức của kẻ cầm quyền cũng không thể không tính đến tâm trạng, trạng thái tinh thần, tâm lý của người đó, mà đó là những yếu tố như thời tiết, sáng nắng nhưng trưa, chiều đã có thể mưa, có thể làm thay đổi cả bầu trời. Như vậy, nó rất đúng, rất cần nhưng chưa đủ. Nói đến chính trị cai quản xã hội là nói đến quyền lực nhà nước thì phải dùng pháp luật để tổ chức quyền lực, điều hành, quản lý xã hội. Pháp luật không đồng nghĩa với chế tài, hình phạt đưa đến tù tội. Nhà nước ban hành pháp luật là cách để đem đến cho từng người dân những khuôn mẫu cho hành vi xử sự của họ, hướng dẫn mọi người không phải bằng một lời nhắc nhở rất ít nội dung mà là cung cấp một thứ khuôn thước hướng dẫn một cách cụ thể làm theo ý chí, sự chỉ đạo của chính quyền đối với từng người dân. Không bằng pháp luật khó mà nói tới sự cai trị, điều hành có hiệu quả. Hơn nữa, cũng phải nói đến tính đạo đức của các quy định pháp luật, khi nó được ban hành là xuất phát từ nhu cầu của xã hội, đáp ứng sự bức xúc của tình hình, có tính đến một cách hợp lý lợi ích của các tầng lớp dân cư. Cũng phải thấy, không phải ai cũng sẵn sàng làm theo pháp luật, có khi còn chống đối. Bản thân pháp luật, để được tôn trọng, chấp hành phải được bảo vệ và chế tài kèm theo từng điều luật chỉ là lời nhắc nhở, một tín hiệu đánh đi trước nhằm lưu ý mọi người tính đến cái hậu quả không hay. Xét về mặt đó, chế tài có tính đạo đức cao. Không nên đối lập đạo đức với pháp luật nói chung, một cách máy móc. Cũng chính vì thế, trong thực tế vận hành quyền lực của các nhà nước, việc vận dụng “đức trị" ở đâu cũng cần có pháp luật hình sự và các cơ quan tư pháp đi kèm. Người ta nói đó là một cách vận dụng "đức trị” phải kết hợp với “pháp trị”, hay còn nói một cách hình tượng "trong pháp ngoài đức" là công thức mà các triều đại phong kiến Trung Quốc, Việt Nam vận dụng rất phổ biến với một bộ luật hình sự và hệ thống tòa án rất nghiêm khắc.