thuế lợi tức
"thuế lợi tức" được hiểu như sau:
Thuế thu trên lợi tức của cơ sở sản xuất, kinh doanh.Hình thức thuế thu nhập công ty được áp dụng đầu tiên vào năm 1920 ở Đức và Mỹ, ngày nay được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy vậy, luật của các nước có sự không đồng nhất về xác định phạm vi đối tượng nộp thuế, phạm vi thu nhập chịu thuế và cách đánh thuế trên mỗi loại thu nhập... Chẳng hạn, Luật thuế thu nhập công ty của Thụy Điển quy định, các công ty, các chủ kinh doanh có số vốn từ 50.000 Curon trở lên và có lao động làm thuê thì được coi là đối tượng phải nộp thuế thu nhập công ty. Còn Bộ luật thuế của Thái Lan quy định đối tượng nộp thuế thu nhập công ty chỉ bao gồm các công ty và các tổ chức hùn vốn có tư cách pháp nhân.Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1951, do hoàn cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp nên Nhà nước ta tạm thời áp dụng chế độ thuế lợi tức của chế độ cũ. Năm 1951 chính sách thuế của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành, trong đó có quy định về thuế' lợi tức đối với cơ sở kinh doanh. Từ năm 1962, chế độ thuế lợi tức chỉ áp dụng đối với thành phần kinh tế tập thể và cá thể, còn đối với các cơ sở kinh tế quốc doanh thì thu một phần lợi nhuận kinh doanh với tên gọi là thu trích nộp lợi nhuận.Chế độ thuế lợi tức áp dụng đối với tất cả các thành phần kinh tế theo quy định của Luật thuế lợi tức được Quốc hội thông qua ngày 30.6.1990 và sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức được Quốc hội thông qua ngày 6.7.1993.Để khắc phục một số nhược điểm của chế độ thuế lợi tức, từ ngày 01.01.1999 thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng thay thế thuế lợi tức (theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 10.5.1997).Thuế lợi tức là loại thuế trực thu. Lợi tức chịu thuế gồm lợi tức từ hoạt động kinh doanh cơ bản và lợi tức khác. Điểm đặc trưng của chế độ thuế lợi tức ở thời kì này là Nhà nước áp dụng hai loại biểu thuế suất có tính phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.