Hệ thống pháp luật

thừa tự

"thừa tự" được hiểu như sau:

Thừa hưởng tài sản của cha ông để lại và nhận trách nhiệm lo việc thờ cúng của dòng họ, tổ tiên theo lệ xưa.Người con mà theo tục lệ cũ được hưởng tài sản của cha ông để lại và lo việc thờ cúng dòng họ, tổ tiên gọi là người con thừa tự. Thông thường người thừa tự là con trai cả hoặc con trai duy nhất, nếu không có hoặc những người này bị truất quyền thì mới xét đến những người khác. Thừa tự là việc kế thừa công việc thờ cúng về mặt tâm linh và chỉ mang ý nghĩa tinh thần đối với lớp người trước. Người thừa tự sẽ là người kế tục việc thờ cúng của các đời trước và duy trì cho các đời sau. Theo lệ xưa, khi người cha chết thì người con sẽ tiếp tục thay người cha để thực hiện các công việc thờ cúng về dòng họ, gia tộc. Người con này được gọi là con thừa tự và phải là con trai. Người con gái theo lệ xưa không được thực hiện các công việc này bởi lẽ khi lớn lên người con gái lấy chồng sẽ thuộc về gia đình người chồng, thuộc dòng họ khác. Hơn nữa, lúc bấy giờ quan niệm về người phụ nữ vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ, coi người phụ nữ không có quyền hay vai trò gì trong xã hội. Ngày nay, tuy nam nữ đã bình quyền, vấn để con trai hay con gái đã không còn đặt ra nhưng về mặt tinh thần người con trai vẫn được coi trọng hơn, nhất là ở các vùng nông thôn - nơi mà các quan niệm về dòng họ vẫn còn đang ảnh hưởng rất lớn.