Hệ thống pháp luật

thừa lệnh

"thừa lệnh" được hiểu như sau:

Làm theo mệnh lệnh của cấp trên.Người được thừa lệnh của cấp trên làm một công việc nào đó không có quyền trực tiếp làm công việc này mà công việc đó thuộc quyền của thủ trưởng hoặc cơ quan cấp trên. Thủ trưởng cấp trên có thể giao, ra lệnh hoặc uỷ quyền cho cấp dưới thực hiện. Do vậy, khi cấp dưới thực hiện công việc được giao hoặc được uỷ quyền thì phải thể hiện rõ là mình làm công việc này theo sự ra lệnh hoặc uỷ quyền của cấp trên.Quan hệ ra lệnh và thừa lệnh thường phát sinh trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là trong mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, thủ trưởng với nhân viên. Trong mối quan hệ này, cấp trên là người có quyền ra lệnh và cấp dưới là người thừa lệnh. Việc ra lệnh, giao việc hay uỷ quyền của cấp trên cho cấp dưới có thể là thường xuyên theo quy định của pháp luật hay theo một quy chế làm việc nhất định và cũng có thể thực hiện từng lần theo vụ việc. Người thực hiện công việc do thừa lệnh của cấp trên, không phải nhân danh mình mà nhân danh cấp trên làm công việc đó. Ví dụ, một công chức cấp Vụ trưởng ký văn bản phát hành theo lệnh (thừa lệnh) của Bộ trưởng thì văn bản đó về mặt pháp lý là văn bản của bộ đó và Vụ trưởng ký văn bản này thừa lệnh Bộ trưởng chứ không phải nhân danh mình hay vụ mình.