Hệ thống pháp luật

thủ tục xét xử giám đốc thẩm

"thủ tục xét xử giám đốc thẩm" được hiểu như sau:

Các bước, các việc phải làm để xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vụ án.Giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam không phải là một cấp xét xử. Thủ tục giám đốc thẩm là trình tự các hoạt động của toàn bộ quá trình xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vi phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vụ án. Theo quy định tại Chương XXIX Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, căn cứ để kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm là: 1) Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ;Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 3) Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử; 4) Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.Theo Bộ luật tố tụng dân sự, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lựcpháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, khi kết luận trong bản án. quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật.Người bị kết án, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật và báo với những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm gồm: chánh án toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.Những người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó. Bản kháng nghị được gửi cho toà án đã ra bản án, quyết định bị kháng nghị. Trong thời hạn do luật định (Xt. Thời hạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng giám đốc thẩm (hình sự lẫn dân sự) phải xem xét lại toàn bộ vụ án, không bị hạn chế trong nội dung kháng nghị và có quyền ra một trong các quyết định: 1) Không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; 2) Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; 3) Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại;Đối với các bản án hình sự hội đồng giám đốc thẩm không được tăng hình phạt hoặc áp dụng điều khoản trong Bộ luật hình sự quy định về tội nặng hơn nhưng có quyền được thay đổi hình phạt và áp dụng điều khoản trong Bộ luật hình sự quy định về tội nhẹ hơn đối với những người bị kháng nghị và cả những người không bị kháng nghị theo hướng đó.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, thủ tục xét xử giám đốc thẩm được quy định tại Chương XXV Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.