thủ tục tư pháp
"thủ tục tư pháp" được hiểu như sau:
Cách thức, trình tự thực hiện hoạt động điều tra, truy tố và hoạt động xét xử. Thủ tục tư pháp chính là thủ tục tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, trọng tài).Chủ thể của thủ tục tư pháp là cơ quan tư pháp hay cụ thể hơn là các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Đó là Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, thư ký phiên tòa, trọng tài viên. Trong tố tụng hình sự, ngoài Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, thư ký phiên tòa còn là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, điều tra viên và kiểm sát viên.Bên cạnh hoạt động tư pháp còn tồn tại những hoạt động khác mang tính hỗ trợ, phục vụ hoạt động tư pháp như giám định, công chứng, bào chữa, bảo vệ phiên tòa, giam giữ, dẫn giải can phạm, thi hành các quyết định của cơ quan tư pháp và thi hành bản án của toà án. Những hoạt động này được gọi là hoạt động bổ trợ tư pháp và không mang tính chất đặc trưng của hoạt động tư pháp. Bởi thế, thủ tục thực thi các hoạt động này cũng không thể coi là thủ tục tư pháp.Thủ tục tư pháp được phân biệt với các thủ tục khác thông qua những đặc trưng bản chất gồm: 1) Là thủ tục xét xử hoặc quan hệ trực tiếp tới việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động; 2) Được xây dựng tuân theo những nguyên tắc nhất định và thủ tục này được quy định trong các đạo luật tố tụng; 3) Chủ thể của thủ tục tư pháp là cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; 4) Kết quả của mỗi hoạt động đều được thể hiện bằng các quyết định tố tụng có tính bắt buộc cao; 5) Việc vi phạm thủ tục tư pháp thường đưa đến những hậu quả pháp lý không thể sửa chữa vì trong nhiều trường hợp khía cạnh pháp lý (xét xử như thế nào) còn được đánh giá cao hơn khía cạnh thực tế (vi phạm ra sao).