Hệ thống pháp luật

thủ tục tố tụng

"thủ tục tố tụng" được hiểu như sau:

Cách thức trình tự và nghi thức tiến hành xem xét một vụ việc hoặc giải quyết một vụ án đã được thụ lý hoặc khởi tố theo các quy định của pháp luật.Do các vụ việc có tính đặc thù khác nhau nên pháp luật quy định các thủ tục tố tụng khác nhau tương ứng. Thủ tục tố tụng hình sự được quy định áp dụng cho việc giải quyết các vụ án hình sự. Thủ tục tố tụng dân sự được quy định áp dụng cho việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, những tranh chấp về kinh doanh, thương mại, những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, những yêu cầu về dân sự, về hôn nhân và gia đình, về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Thủ tục tố tụng hành chính được quy định áp dụng cho việc giải quyết các vụ án hành chính... Theo trình tự thì thủ tục tố tụng phân thành các giai đoạn: 1) Đối với các vụ án hình sự có: thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; 2) Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động có thủ tục khởi kiện, thụ lý, lập hồ sơ, xét xử, thi hành án.Các văn bản pháp luật tố tụng bên cạnh việc quy định về các điểm khác biệt của mỗi thủ tục tố tụng, luôn quy định về các vấn đề chung của các vụ án như: thẩm quyền xét xử của toà án, nguyên tắc xét xử, thành phần của hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng và quyền và nghĩa vụ của họ, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn.