thu nhập
"thu nhập" được hiểu như sau:
Khoản của cải thường được tính thành tiền mà một cá nhân, một doanh nghiệp hoặc một nền kinh tế nhận được trong một khoảng thời gian nhất định từ công việc, dịch vụ hoặc hoạt động nào đó.Thu nhập có thể gồm các khoản như tiền lương, tiền công, tiền cho thuê tài sản, lợi nhuận kinh doanh. Thu nhập có thể có được từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ lao động, từ việc sở hữu những giấy tờ có giá trị, từ thừa kế, được tặng cho... Theo Điều 58 Hiến pháp năm 1992, công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp. Như vậy, những thu nhập bất hợp pháp, không có cơ sở pháp lý, không được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Thu nhập của từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cả một nước luôn là mối quan tâm lớn của xã hội. Trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, con người tạo ra một lượng của cải nhất định và được xã hội phân phối lại những khoản của cải tương ứng, thích hợp. Mỗi phương thức sản xuất, mỗi hình thức sở hữu có một hình thức phân phối thu nhập cá nhân thích hợp và khi có hình thức phân phối thu nhập cá nhân phù hợp, có thể tạo được động lực mạnh mẽ khai thác được các tiềm năng xã hội, trực tiếp góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Thu nhập quốc dân là toàn bộ những của cải và lợi nhuận do nền kinh tế của một nước tạo ra trong một thời gian nhất định, thường là một năm, giá trị mới được tạo ra trong phạm vi một nền kinh tế quốc dân của một nước nhất định.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, một người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp được quy định tại Điều 32 Hiến pháp 2013 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013.