Hệ thống pháp luật

thu hồi đất

"thu hồi đất" được hiểu như sau:

Là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định của Luật đất đaiTheo Điều 38 Luật đất đai năm 2003: Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp: 1) Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; 2) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; 3) sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả; 4) Người sử dụng đất cố ý huỷ hoại đất; 5) Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; 6) Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp: đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm; đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm; 7) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; 8) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; 9) Người sử dụng đấtcố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước; 10) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn; 11) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liến; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liền; 12) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.Hơn nữa, Luật đất đai năm 2003 quy định rõ các trường hợp thu hồi đất mà không bồi thường (Điều 43); việc thu hồi đất và quản lý quỹ đất đã thu hồi (Điều 41) và bồi thường tái định cư cho người có đất bị thu hồi (Điều 42) nhằm không những bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của xã hội mà còn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người sử dụng đất, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Việc thu hồi đất chuyển từ cơ chế hành chính (do uỷ ban nhân dân các cấp hay còn gọi là cơ quan công quyền thực hiện) sang cơ chế kinh tế (do Tổ chức phát triển quỹ đất hay còn gọi là tổ chức kinh tế thực hiện) phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Bên cạnh việc thu hồi đất, Nhà nước còn tiến hành việc trưng dụng đất có thời hạn trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh, thiên tai hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác (Điều 45).Mặt khác, thẩm quyền thu hồi đất được quy định rất cụ thể: 1) uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài; 2) uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; 3) Cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất trên đây không được uỷ quyền (Điều 44).Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, thu hồi đất được quy định tại Điều 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69, 70 và  Điều 71 Luật đất đai năm 2013 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2013.