thời hiệu
"thời hiệu" được hiểu như sau:
Khoảng thời gian mà văn bản quy phạm pháp luật hoặc một quyền do pháp luật quy định có hiệu lực bắt buộc thi hành.Trong khuôn khổ của khoảng thời gian đó, chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc khi kết thúc khoảng thời gian đó thì chủ thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, được miễn chấp hành bản án hoặc mất quyền khởi kiện. Thời hiệu được phân loại theo hiệu quả pháp lý phát sinh.Thời hiệu được chia làm 5 loại cụ thể: 1) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: không truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tính từ ngày phạm tội đã qua những thời hạn: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ 2 năm tù trở xuống hoặc hình phạt khác nhẹ hơn; 10 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm; 15 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng; 2) Thời hiệu thi hành bản án hình sự: không buộc người bị kết án phải chấp hành bản án, nếu tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật đã qua những thời hạn: 5 năm đối với các trường hợp xử phạt từ năm năm tù trở xuống; 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên năm năm đến mười lăm năm; 15 năm đối với trường hợp xử phạt tù từ trên mười lăm năm đến hai mươi năm; 3) Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự; 4) Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc nó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ đó; 5) Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện, nếu thời hiệu đó kết thúc thì chủ thể mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, riêng đối với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không áp dụng đối với các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.