thị trường
"thị trường" được hiểu như sau:
Nơi thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, trao đổi các loại hàng hoá, dịch vụ, vốn, sức lao động và các nguồn lực khác trong nền kinh tế."Nơi" ở đây được hiểu là bất kì khung cảnh nào trong đó diễn ra việc mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ mà không nhất thiết gắn với một địa điểm hay thực thể vật chất. Ví dụ: thị trường có thể là mạng lưới viễn thông toàn cầu, thông qua đó việc mua bán hàng hoá được thực hiện.Về phương diện không gian, thị trường có thể được phân thành thị trường địa phương, thị trường khu vực, thị trường quốc gia, thị trường quốc tế hoặc thị trường toàn cầu. về phương diện cách thức tổ chức địa điểm giao dịch, thị trường có thể được phân thành thị trường giao dịch tập trung hoặc thị trường giao dịch phi tập trung.Với tư cách là khái niệm kinh tế, chính trị và pháp lí, thuật ngữ thị trường được sử dụng trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, trong đó phải kể đến các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII và IX, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001). Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật nào giải thích một cách chính thức về khái niệm thị trường.Thị trường được cấu thành bởi các yếu tố căn bản sau: 1) Chủ thể tham gia thị trường: gồm có người mua, người bán, người môi giới và chủ thể quản lý nhà nước đối với thị trường. Không phải thị trường nào cũng có tính cạnh tranh. Thị trường cạnh tranh đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều người mua, nhiều người bán, tồn tại sự tự do chọn lựa và tự do cạnh tranh giữa những người mua và những người bán. Người môi giới thực hiện chức năng tư vấn, định hướng và làm trung gian trong các giao dịch giữa người mua và người bán, đặc biệt là các loại thị trường có tổ chức cao như thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản. Chủ thể quản lý nhà nước đối với thị trường là các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ giám sát, quản lý thị trường, đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn và trôi chảy, chẳng hạn như trong thị trường chứng khoán, Uỷ ban chứng khoán là cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường này, trong thị trường vốn tín dụng, Ngân hàng nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường; 2) Khách thể thị trường: là đối tượng mà các chủ thể hướng đến trong giao dịch mua bán, trao đổi như hàng hoá, dịch vụ, vốn, sức lao động và các nguồn lực khác. Tài sản giao dịch trên thị trường có thể là tài sản hữu hình hoặc tài sản vô hình, có thể là tài sản đã tồn tại hoặc tài sản được hình thành trong tương lai; 3) Giá cả trên thị trường: được hình thành trên cơ sở cung cầu.Trong pháp luật hiện hành, bên cạnh thuật ngữ thị trường, nhiều thuật ngữ để chỉ các loại thị trường cụ thể như thị trường hàng hoá, thị trường dịch vụ, thị trường sức lao động, thị trường tài chính, thị trường bất động sản... cũng được sử dụng. Việc phân loại thị trường này chủ yếu dựa vào đối tượng mua bán, chuyển nhượng trên thị trường.