Hệ thống pháp luật

thị trường ngoại hối

"thị trường ngoại hối" được hiểu như sau:

Nơi mua, bán các loại ngoại hối.Đối tượng của các giao dịch trên thị trường ngoại hối gồm nhiều loại tiền nước ngoài, các công cụ thanh toán bằng tiền nước ngoài (séc, thẻ thanh toán, hối phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngân hàng...), các loại giấy tờ có giá và các công cụ thanh toán bằng tiền nước ngoài (trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, cổ phiếu...), vàng tiêu chuẩn quốc tế... Do phương thức lưu thông, chuyển nhượng các loại ngoại hối khác nhau nên có nhiều bộ phận thị trường trong thị trường ngoại hối như thị trường ngoại tệ, thị trường hối phiếu, thị trường vàng tiêu chuẩn quốc tế... Căn cứ vào phạm vi của quốc gia, thị trường ngoại hối được phân chia làm hai loại: thị trường ngoại hối trong nước và thị trường ngoại hối quốc tế. Thị trường ngoại hối trong nước là loại thị trường do một quốc gia quản lý, kiểm soát và hoạt động theo pháp luật của quốc gia đó. Thị trường ngoại hối quốc tế do một số Chính phủ hoặc một số tổ chức tài chính, ngân hàng thành lập. Các thị trường ngoại hối có quy mô giao dịch lớn trên thế giới là thị trường ngoại hối New York, Luân Đôn, Zurich, Frankfurt.Ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước chưa quy định về tổ chức và hoạt động của thị trường ngoại hối mà mới chỉ quy định về tổ chức và hoạt động của các bộ phận trong thị trường ngoại hối như thị trường ngoại tệ, thị trường phát hành và thanh toán quốc tế... Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2003) quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức, điều hành thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại hối trong nước. Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối được quy định tại Điều 31, 32, 33 và Điều 34 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 do Quốc hội khóa 12 ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2010.