Hệ thống pháp luật

thị trường công nghệ

"thị trường công nghệ" được hiểu như sau:

Những người có nhu cầu mua, thuê, mướn và người có nhu cầu bán hoặc cho thuê, mướn công nghệ tiếp xúc với nhau để trao đổi, mua bán, cho thuê mướn công nghệ.Thuật ngữ “thị trường cõng nghệ" có thể được hiểu một cách phong phú và đa dạng hơn do tính đa dạng của thuật ngữ “thị trường” và các hoạt động liên quan đến việc trao đổi, mua bán, dịch vụ về công nghệ. Công nghệ được hiểu là tập hợp các phương tiện để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm một cách ưu việt nhất. Việc trao đổi, mua bán các phương pháp, bí quyết công nghệ này trên thị trường không đơn giản là các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá, tài sản, dịch vụ bình thường mà liên quan đến rất nhiều vấn đề giữa bên cung và bên cầu. Có thể là từ quyết định về mục đích sử dụng công nghệ của bên mua để sản xuất ra cái gì? sản xuất thế nào? phương án chuyển giao? và được xác định bằng sự điều chỉnh của giá cả. Bên cạnh đó, là hàng loạt các hoạt động dịch vụ như việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thực nghiệm công nghệ: các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ: các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn... “Thị trường công nghệ" cũng còn được hiểu như là một khuôn khổ vô hình, trong đó, người có nhu cầu cung cấp công nghệ, người có nhu cầu mua, thuê, đón nhận công nghệ và những người có liên quan tiếp xúc với nhau để trao đổi thỏa thuận về một hay nhiều loại công nghệ, một công đoạn hay toàn bộ quá trình sử dụng công nghệ để thoả mãn nhu cầu lợi ích của mình. Đồng thời, họ cùng nhau xác định về giá cả và công nghệ trao đổi. Ở “thị trường công nghệ”, các hoạt động được coi là một quá trình mà nhờ đó, các quyết định sản xuất, tiêu thụ liên quan đến công nghệ được điều phối thông qua điều chỉnh giá cả. Đây cũng được coi là yếu tố đóng vai trò trung tâm thị trường. “Thị trường công nghệ”, “phát triển thị trường công nghệ” là thuật ngữ được xuất hiện sau khi Việt Nam thực hiện chuyển đổi nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ được coi là định hướng chiến lược trong phát triển khoa học và công nghệ nói chung, đồng thời, góp phần hoàn thiện đồng bộ các yếu tố thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.