Hệ thống pháp luật

thi hành án dân sự

"thi hành án dân sự" được hiểu như sau:

Hoạt động của Cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án và các chủ thể khác trong việc thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực của toà án.Thi hành án dân sự bao gồm các hoạt động như cấp, chuyển giao bản bản án, quyết định dân sự; giả thích bản bản án, quyết định dân sự; tự thi hành án của người phải thi hành án; gửi đơn yêu cầu thi hành án; ra quyết định thi hành án; ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án; ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án; quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, tổ chức cưỡng chế thi hành án... Trình tự, thủ tục thi hành án dân sự được thực hiện theo các quy định tại Phần thứ bảy Bộ luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.Đối tượng của thi hành án dân sự là các bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động; quyết định về dân sự, phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí trong bản án, quyết định của toà án về hình sự; quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Toà án về hành chính; quyết định tuyên bố phá sản; quyết định của trọng tài thương mại Việt Nam; bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận.Thi hành án dân sự bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định; bảo vệ lợi ích của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân.