thanh tra viên
"thanh tra viên" được hiểu như sau:
Công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.Khác với những người thực hiện hoạt động thanh tra của các tổ chức thanh tra khác, thanh tra viên do Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.Theo quy định của Luật thanh tra năm 2004, người được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra phải có đủ các tiêu chuẩn: 1) Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; 2) Tốt nghiệp đại học, có kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật; đối với thanh tra viên chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó; 3) Có nghiệp vụ thanh tra; 4) Có ít nhất hai năm làm công tác thanh tra đối với người mới được tuyển dụng vào ngành thanh tra (không kể thời gian tập sự), nếu là cán bộ, công chức công tác ở cơ quan, tổ chức khác chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước thì phải có ít nhất một năm làm công tác thanh tra.Khi tiến hành thanh tra, thanh tra viên phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao, thanh tra viên còn phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ thanh tra. Thanh tra viên có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, thanh tra viên được quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật Thanh tra năm 2010 do Quốc hội Khóa 12 ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2010.