thanh tra nhà nước về lao động
"thanh tra nhà nước về lao động" được hiểu như sau:
Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước có chức năng xem xét, kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các đơn vị sử dụng lao động.Theo Bộ luật lao động năm 1994, được sửa đổi, bổ sung năm 2002, thanh tra nhà nước về lao động có các nhiệm vụ chủ yếu sau: 1) Thanh tra việc chấp hành các quy định về lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động; 2) Điều tra tai nạn lao động và những vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh lao động; 3) Tham gia xây dựng và hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; 4) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật; 5) Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật lao động.Hệ thống tổ chức thanh tra nhà nước về lao động bao gồm: cơ quan thanh tra lao động và an toàn lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; cơ quan thanh tra lao động và thanh tra an toàn lao động thuộc sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan thanh tra vệ sinh lao động thuộc Bộ Y tế.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, thanh tra nhà nước về lao động được quy định tại Điều 237 Bộ luật lao động năm 2012 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2012.