Hệ thống pháp luật

thẩm quyền

"thẩm quyền" được hiểu như sau:

Quyền chính thức được xem xét để kết luận và định đoạt, quyết định một vấn đề.Thẩm quyền gắn liền với quyền và nhiệm vụ mà pháp luật quy định cho cơ quan nhà nước, người nắm giữ những chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đó để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của họ. Thẩm quyền của mỗi cơ quan và cá nhân được phân định theo lĩnh vực, ngành, khu vực hành chính, cấp hành chính. Trong mỗi ngành, thẩm quyền được phân định theo chức năng, nhiệm vụ của ngành như thẩm quyền của Toà án nhân dân là xét xử. Tuy nhiên, một loại việc có thể thuộc thẩm quyền của một hoặc nhiều cơ quan, cá nhân trong các ngành, cấp khác nhau. Ví dụ: theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, việc điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của một số cơ quan như cơ quan điều tra của lực lượng cảnh sát nhân dân, cơ quan điều tra của lực lượng an ninh nhân dân, cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân,... Khi thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn trong thẩm quyền, các quyết định và phán quyết của các cơ quan, cá nhân này được đảm bảo thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước.Trong pháp luật hiện hành của Việt Nam, thuật ngữ "thẩm quyền" thường được sử dụng trong các cụm từ như: “thẩm quyền xét xử”, “thẩm quyền điều tra", “cơ quan có thẩm quyền", “người có thẩm quyền”, “cấp có thẩm quyền", "thẩm quyền của Toà án nhân dân”, “thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân”, “thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân"... (Xt. Thẩm quyền xét xử của Toà án...)