Hệ thống pháp luật

thẩm quyền xét xử của toà án

"thẩm quyền xét xử của toà án" được hiểu như sau:

Quyền xem xét và quyết định trong hoạt động xét xử của Tòa án theo quy định của pháp luật.Trước tiên,"thẩm quyền xét xử của Toà án" được hiểu là một quyền chuyên biệt được trao riêng cho Toà án, khác với thẩm quyền của các cơ quan khác. Thẩm quyền xét xử là quyền chung của các toà án không phân biệt phân cấp, phân vùng lãnh thổ.Thứ hai, “thẩm quyền xét xử của Tòa án" còn được hiểu là thẩm quyền riêng của từng tòa án cụ thể được phân định theo cấp, theo khu vực hành chính và theo vụ việc. Thẩm quyền riêng của các toà án trong việc xét xử được phân định dựa theo cơ cấu tổ chức của hệ thống tòa án gồm:Thẩm quyền xét xử theo sự việc, theo cấp xét xử như thẩm quyền xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm... Theo quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002, thì thẩm quyền xét xử theo cấp của Tòa án nhân dân được phân cấp như sau: 1) Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tối cao là phúc thẩm những vụ án mà bản án quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; 2) Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng; phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; 3) Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện là sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng; 4) Thẩm quyền xét xử của tòa án các cấp theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như Toà án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng trừ những tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hoà bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh và một loại tội khác được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 - là những tội thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu... 5) Thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự là xét xử những vụ án mà bị cáo là những quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật.Thẩm quyền xét xử theo đối tượng là sự phân định thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Toà án quân sự, căn cứ vào đối tượng phạm tội. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối hợp chiến đấu với quân đội và những người được tập trung làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý hoặc tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội. Các đối tượng phạm tội khác do Toà án nhân dân xét xử. Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ: theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của Tòa án được phân định căn cứ vào nơi tội phạm được thực hiện và nơi kết thúc điều tra hoặc nơi cư trú của nguyên đơn hay bị đơn.Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 còn quy định thẩm quyền xét xử những tội phạm được thực hiện trên tàu bay, tàu biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải Việt Nam.Theo Bộ luật tố tụng dân sự, thẩm quyền xét xử về mặt dân sự của tòa án các cấp cũng được quy định chặt chẽ cho toà án theo các cấp hành chính, lãnh thổ như Toà án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương và cả thẩm quyền theo lãnh thổ. Đối với các vụ án dân sự, thẩm quyền xét xử còn được tính theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu (Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự).