Hệ thống pháp luật

thẩm phán

"thẩm phán" được hiểu như sau:

Người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án.Thẩm phán Toà án nhân dân ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh bao gồm Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện bao gồm Thẩm phán Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thẩm phán Tòa án quân sự các cấp bao gồm Thẩm phán Toà án quân sự trung ương đồng thời là Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu bao gồm Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Toà án quân sự khu vực.Công dân Việt Nam trung thành với tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử, có thời gian làm công tác thực tiễn, có năng lực làm công tác xét xử theo quy định của pháp luật, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán.Thẩm phán làm nhiệm vụ theo sự phân công của chánh án. Khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào và phải chịu trách nhiệm về công việc của mình.