Hệ thống pháp luật

thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

"thẩm định văn bản quy phạm pháp luật" được hiểu như sau:

Hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức, kỹ thuật soạn thảo đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung, trình tự, thủ tục do luật định nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và những yêu cầu khác về chất lượng dự án, dự thảo theo quy định của pháp luật.Thẩm định là khâu bắt buộc trong quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả thẩm định có tính chất tư vấn cho Chính phủ trước khi Chính phủ trình dự án, dự thảo (do Chính phủ chủ trì hoặc cơ quan khác chủ trì soạn thảo) lên cơ quan có thẩm quyền ban hành (Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội) hoặc trước khi Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.Pháp luật của phần lớn các nước trên thế giới đều quy định Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm chính tiến hành hoạt động thẩm định (như Thụy Điển; Phần Lan; Cộng hoà Liên bang Đức; Cộng hoà Liên bang Nga;...). Tuy nhiên, cũng có những nước cơ quan chính có thẩm quyền thẩm định văn bản quy phạm pháp luật không phải là Bộ Tư pháp mà là tổ chức độc lập thuộc Chính phủ như Tham chính Viện của Cộng hoà Pháp.Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2002, Bộ Tư pháp Việt Nam là cơ quan được giao thẩm quyền giúp Chính phủ thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội, uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua hoặc để Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.Những loại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải qua trình tự thẩm định là: dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và uỷ ban thường vụ Quốc hội; dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ. Nội dung thẩm định bao gồm: 1) Sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định; đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự án, dự thảo; 2) Sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật; 3) Tính khả thi của văn bản; 4) Việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.Sự phù hợp của các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đối với Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, tùy không phải là một yêu cầu bắt buộc thuộc nội dung cần thẩm định theo pháp luật hiện hành nhưng trên thực tế thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta, cơ quan thẩm định (Bộ Tư pháp) thường cũng lưu ý xem xét khía cạnh này của văn bản để góp ý với ban soạn thảo hoặc cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện nội dung của dự án, dự thảo.