tập quán quốc tế
"tập quán quốc tế" được hiểu như sau:
Là những quy tắc xử sự được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong quan hệ giữa các quốc gia.Tập quán quốc tế được hình thành từ nghị quyết của các tổ chức quốc tế, phán quyết của tòa án quốc tế, điều ước quốc tế. Đặc biệt hơn, tập quán quốc tế có thể được hình thành từ hành vi đơn phương của một quốc gia hoặc từ quy tắc xử sự của một quốc gia văn minh. Tập quán quốc tế được khởi xướng từ các nước châu Âu lục địa như Pháp, Đức, Áo, Hungary... và đầu tiên xuất phát từ các nghi lễ ngoại giao giữa các quốc gia, về sau tập quán quốc tế được áp dụng rộng rãi sang cả các lĩnh vực khác. Tập quán quốc tế có thể là các quy tắc xử sự không thành văn được hình thành từ thực tiễn quan hệ quốc tế hoặc được chính thức ghi nhận trong các văn kiện giữa các quốc gia. Tập quán quốc tế được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống quốc tế như chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, thương mại.Tập quán quốc tế chỉ có thể trở thành nguồn của Tư pháp quốc tế khi được pháp luật trong nước quy định áp dụng hoặc được các quốc gia hữu quan quy định trong điều ước quốc tế hoặc được các bên chủ thể tham gia quan hệ tư pháp quốc tế thỏa thuận (với điều kiện việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của các bên).Tập quán quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận trong quan hệ với các quốc gia khác trên thế giới. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tập quán quốc tế được vận dụng để xây dựng các quy phạm pháp luật hoặc được thừa nhận như những quy định bắt buộc trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề đó. Điều này có thể gặp ở trong các bộ luật, luật, đặc biệt là những phần quy định về các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài hoặc quan hệ với nước ngoài, chẳng hạn trong Luật thương mại, Luật hàng hải, Luật hàng không...