Hệ thống pháp luật

tâm lý pháp luật

"tâm lý pháp luật" được hiểu như sau:

Cảm xúc, tâm tư, tình cảm của con người trước những biểu hiện của pháp luật trên thực tế đời sống, xã hội.Pháp luật là một hiện thực xã hội thường xuyên tác động lên hành vi, xử sự của con người. Pháp luật, mỗi khi được ban hành, được tổ chức thực hiện, đi vào cuộc sống tạo nên đời sống pháp luật rất sống động, đa dạng, phức tạp, nhiều màu vẻ, trực tiếp tác động lên tâm tư, trạng thái tâm lý, thái độ hàng ngày của các thành viên xã hội đối với pháp luật, đời sống pháp luật, làm hình thành ở con người cảm xúc, tâm trạng, nhận thức, thái độ đối với pháp luật, đời sống pháp luật của xã hội; đó được xem là tâm lý pháp luật, phản ánh chủ yếu bề ngoài đời sống pháp luật của xã hội, mới mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa, chưa đi vào chiều sâu, bản chất của pháp luật nói chung.Tâm lý pháp luật là một trong hai yếu tố tạo nên ý thức pháp luật. Tâm lý pháp luật có thể tích cực hoặc tiêu cực. Tâm lý pháp luật tích cực thể hiện sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với việc thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, sự bất bình trước các hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy nó có vai trò quan trọng trong việc xây dựng pháp chế và trật tự xã hội. Chẳng hạn, sự bất bình trước một hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân hay tập thể sẽ tạo ra dư luận xã hội gây áp lực buộc cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm. Tâm lý pháp luật cũng có thể là tâm lý tiêu cực, chẳng hạn, khi hiện tượng vi phạm pháp luật trở thành phổ biến, người dân trở nên bàng quan, không phản ứng gì hoặc phản ứng theo lối tiêu cực khi nhìn thấy hiện tượng vi phạm pháp luật.