Hệ thống pháp luật

tạm giữ

"tạm giữ" được hiểu như sau:

Biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang để cách ly họ với xã hội trong một thời gian cần thiết nhằm ngăn chặn người đó tiếp tục phạm tội, cản trở điều tra và xác định sự liên quan của người này đối với tội phạm.Trước đây, biện pháp tạm giữ đã được quy định trong Luật số 103/SL/I.005 ngày 20.05.1957 về bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở của dân, theo đó: “Cơ quan tư pháp huyện hoặc công an huyện tạm giữ can phạm trong thời hạn ba ngày kể từ lúc nhận can phạm để xét và hỏi cung rồi phải quyết định tha hẳn, tạm tha hoặc giải lên tòa án nhân dân hoặc công an cấp trên". Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 quy định về tạm giữ chỉ rõ đối tượng áp dụng biện pháp tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Đối với người bị bắt khi phạm tội quả tang mà sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng, người bị bắt có nơi cư trú rõ ràng và không có biểu hiện bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc cản trở việc điều tra thì không cần tạm giữ. Việc tạm giữ phải có lệnh viết của những người có thẩm quyền. Lệnh tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và giao cho người bị tạm giữ một bản. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, kế thừa và phát triển các chế định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, có quy định trong thời hạn 12 giờ, lệnh tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Khi kiểm sát việc tạm giữ, nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ lệnh tạm giữ và trả tự do ngay cho người bị bắt. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày đêm kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày và trong trường hợp đặc biệt lại có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tạm giữ được quy định tại Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.