tài liệu lưu trữ quốc gia
"tài liệu lưu trữ quốc gia" được hiểu như sau:
Tài liệu có giá trị về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ được hình thành trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức (cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân) và các nhân vật lịch sử tiêu biểu phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, khoa học và hoạt động thực tiễn.Theo Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001, tài liệu lưu trữ quốc gia phải là bản chính, bản gốc của tài liệu được ghi trên giấy, phim, ảnh, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh hoặc các vật mang tin khác; trong trường hợp không còn bản chính, bản gốc thì được thay thế bằng bản sao hợp pháp.Tài liệu lưu trữ phải được bảo quản an toàn trong kho lưu trữ. Tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử phải được bảo quản trong kho lưu trữ chuyên dụng. Tài liệu lưu trữ đặc biệt quý, hiếm phải được bảo quản theo chế độ bảo hiểm tài liệu lưu trữ.Tài liệu riêng của cá nhân, gia đình, dòng họ có giá trị như tài liệu lưu trữ quốc gia được Nhà nước đăng ký và bảo hộ; cơ quan lưu trữ có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật bảo quản. Nhà nước khuyến khích việc tặng cho, ký gửi tài liệu riêng của cá nhân, gia đình, dòng họ cho cơ quan lưu trữ. trong trường hợp bán tài liệu riêng của cá nhân, gia đình, dòng họ thì phải báo cho cơ quan lưu trữ và ưu tiên bán cho cơ quan lưu trữ.Theo pháp luật hiện hành của Việt nam, tài liệu lưu trữ quốc gia được quy định tại Điều 26 Luật Lưu trữ năm 2011 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 11 tháng 11 năm 2011.